Sóng M&A từ cổ phần hóa
Tại diễn đàn “M&A 2014: Làn sóng thứ 2” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 7-8 ở TP HCM, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) Bộ Tài chính cho biết quá trình cổ phần hóa (CPH) DN đã được triển khai hơn 20 năm qua nhưng phải đến giai đoạn 2011-2015, Chính phủ quyết liệt yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ CPH, sắp xếp lại DN.
Nhiều thương hiệu hấp dẫn
Trong quá trình này, không chỉ 432 DN 100% vốn nhà nước buộc phải CPH trong 2 năm tới mà tiến trình CPH lần 2 (thoái bớt vốn nhà nước) của hơn 4.000 DN cũng sẽ được tiếp tục với hàng loạt cái tên hấp dẫn nhà đầu tư như Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Công ty CPBia Hà Nội (Habeco); Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); FPT...
Khảo sát của hãng tư vấn KPMG cho thấy rất nhiều DN Việt Nam có nhu cầu trong mua bán, sáp nhập. Khoảng 100 triệu USD đang được giao dịch trong các thương vụ M&A và khả năng sẽ tăng lên vài trăm triệu USD hoặc có thể lên đến 1 tỉ USD nhằm giúp DN tăng trưởng và gia tăng tài sản.
Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, ông John Ditty cho rằng việc đẩy mạnh CPH những “ông lớn” như MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex… sẽ là yếu tố thúc đẩy làn sóng M&A. Đây là những DN lớn, hoạt động hiệu quả thời gian qua và việc mở cơ hội cho dòng vốn tư nhân tham gia vào hoạt động quản trị, điều hành sẽ là động lực thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lợi ích lâu dài
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Vina Capital cho biết khoảng năm 2006, khi Vinamilk tiến hành CPH, Vina Capital đã rót vốn bằng việc mua cổ phần. Lúc đó, giá trị thương hiệu của Vinamilk chỉ khoảng 500 triệu USD. Nhưng đến nay, Vinamilk được định giá khoảng 5,5 tỉ USD và trở thành thương hiệu quốc tế. Thương vụ đầu tư qua quá trình CPH gần đây nhất của Vina Capital là rót vốn vào Công ty CP Hóa chất Miền Nam và Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco 5).
“Chúng tôi không hẳn tìm một công ty minh bạch, hoàn hảo, mà chỉ quan tâm đến một DN hiện chưa tốt nhưng có cơ hội thay đổi. Sau thời gian được bơm vốn qua CPH, thay đổi cách quản trị, DN phát triển tốt lên và chúng ta rút vốn, khi đó hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn” - ông Andy Hồ nhận xét.
Trong các nước đầu tư vào thị trường Việt Nam, Nhật Bản nổi lên như một làn sóng từ nhiều năm qua. Ông Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof (Công ty Tư vấn M&A hàng đầu tại Nhật), cho rằng nhà đầu tư Nhật quan tâm đến thị trường Việt Nam bởi sự hấp dẫn về chi phí lao động, nhân công dồi dào và có chất lượng, cùng sự ổn định về chính trị và tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Thống kê chưa đầy đủ, nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia vào 12 ngành và mỗi ngành có khoảng 3 thương vụ M&A tại Việt Nam thời gian qua. “Với DN Nhật, giá cả không phải yếu tố hàng đầu mà DN Việt cần quan tâm nhiều hơn đến lợi ích lâu dài” - ông Sam Yoshida nói.
Làm quyết liệt
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết trong 7 tháng đầu năm 2014, đã có thêm 55 DN nhà nước hoàn thành phương án CPH. Chính phủ đang rất quyết liệt đẩy mạnh tiến trình này và sắp tới sẽ yêu cầu sau 6 tháng kể từ khi CPH, DN đủ điều kiện phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc niêm yết trên sàn Upcom để tạo sân chơi cho nhà đầu tư mua bán, chuyển nhượng cổ phần.
THÁI PHƯƠNG - NLĐ